Gia đình anh Nguyễn Văn Trung, TP Tam Kỳ, Quảng Nam, một năm đến phố cổ Hội An hơn 10 lần vào cuối tuần hay những dịp lễ hội. Sau khi dạo phố cổ, cả nhà ăn uống, đi dạo và vui chơi. “Nhà bốn người nay nếu mua vé sẽ phát sinh 320.000 đồng một lần là một khoản đáng kể, một năm tốn hơn 3 triệu đồng”, anh nói và cho biết đã nhiều lần đến Hội An nên khi thu phí sẽ không đến nữa.

“Nếu áp dụng bán vé tham quan đối với du khách muốn vào phố cổ, tôi nghĩ sẽ giảm dần lượng khách theo thời gian. Khách có thể bỏ tiền mua vé lần đầu, nhưng chắc chắn họ không quay trở lại. Nếu đi nhóm tầm 10 người trở lên thì tiền vé đã cả triệu. Là một người rất thích Hội An, nhưng nếu phải bỏ tiền mua vé tôi sẽ không quay lại”, một độc giả của VnExpress cho hay.

Chị Thanh Yên, một người kinh doanh nhà hàng ở Hội An, không đồng tình với đề xuất. “Nếu triển khai thì chỉ làm cho phố cổ ít khách hơn, ảnh hưởng đến tất cả các hộ kinh doanh, đặc biệt là các hộ nhỏ lẻ. Chúng ta đang cần kích cầu du lịch”, chị nói.

Melissa, du khách Australia, đến Hội An hồi tháng 3, không bị thu phí và cũng không biết về khoản phí này. Tuy nhiên, cô sẵn sàng trả phí nếu được yêu cầu. Với Melissa, mức giá 120.000 đồng “không phải số tiền lớn” nhưng muốn “Hội An sử dụng hợp lý số tiền này cho việc duy tu, bảo trì khu phố cổ”.

Đoàn du khách nước ngoài tham quan phố cổ Hội An tháng 3. Ảnh: Đắc Thành

Đoàn du khách nước ngoài tham quan phố cổ Hội An tháng 3. Ảnh: Đắc Thành

Trao đổi với VnExpress, ông Phùng Quang Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, hiểu vì sao du khách không ủng hộ Hội An thu phí. Hội An có diện tích lớn hơn nhiều so với các điểm di tích như đền, chùa, tháp. Điều này có thể khiến du khách nghĩ Hội An như một khu phố công cộng. Nhưng khi quy hoạch Hội An thành điểm du lịch cần bảo tồn, việc thu phí là hợp lý.

Xem Thêm:   Phá đảo những địa điểm đi chơi Noel ở Hà Nội đông vui nhất 2023

“Vấn đề là các lãnh đạo địa phương cần cho mọi người thấy cái lợi của việc thu phí, như câu chuyện duy tu, bảo tồn”, ông Thắng chia sẻ.

Ông Thắng nhấn mạnh trong kinh tế du lịch, quan trọng là thu được bao nhiều tiền, không phải đón được bao nhiêu khách. Ví dụ, đón được 1.000 khách nhưng nguồn thu bằng 2.000 khách thì rõ ràng, 1.000 khách tốt hơn. Lượng khách càng đông, áp lực lên khu phố cổ càng lớn, kéo theo chi phí bảo trì tăng lên.

Từ năm 1992 đã có quy định tất cả du khách vào phố cổ Hội An phải mua vé song lâu nay công tác quản lý chưa chặt chẽ. Hiện chỉ du khách muốn tham quan những điểm nhất định mới phải mua vé, khách đi dạo phố và ăn uống được miễn phí.

Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thanh Truyền hình Hội An là đơn vị được UBND thành phố giao triển khai thực hiện việc thu vé vào phố cổ. Bà Trương Thị Ngọc Cẩm, Giám đốc Trung tâm, cho biết việc thu phí đã được Luật Di sản quy định và Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua song lâu nay công tác quản lý, kiểm soát chưa chặt chẽ. Thống kê cho thấy dưới 50% du khách đến khu phố cổ mua vé đã gây thất thoát ngân sách lớn. Do vậy, thành phố áp dụng chặt việc bán vé để có nguồn kinh phí.

Về giá vé, bà Cẩm cho biết “phí vào di tích là bình thường ở Việt Nam” và những điểm du lịch nhỏ thậm chí đã thu phí trên 100.000 đồng. Hội An là một quần thể rộng, vé 80.000 đồng cho khách nội địa và 120.000 đồng khách nước ngoài “là rẻ”.

Xem Thêm:   Kinh nghiệm du lịch Mộc Châu 2 ngày 1 đêm: Chơi nhiều vẫn rẻ

Tại Trung Quốc, Phượng Hoàng Cổ Trấn, một khu phố cổ nổi tiếng, điểm đến của nhiều khách Việt những năm gần đây, đang thu phí 248 nhân dân tệ (khoảng 845.000 đồng) hoặc 138 nhân dân tệ (khoảng 470.000 đồng), một người, tùy lựa chọn tham quan. Thành cổ Lệ Giang không thu vé nhưng khuyến khích du khách đóng góp 80 nhân dân tệ (khoảng 270.000 đồng) phí bảo tồn. Cổ trấn Tây Đường bán vé 95 nhân dân tệ (khoảng 320.000 đồng). Tại Việt Nam, các lăng tẩm ở Huế bán vé từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng mỗi nơi.

Bà Cẩm cho hay việc tất cả du khách mua vé khi tham quan phố cổ Hội An sẽ tạo một thói quen thể hiện trách nhiệm đối với điểm đến, phát huy giá trị di sản. Khu phố cổ lượng khách đến đông khiến môi trường du lịch, rác thải rất lớn mỗi ngày. “Nếu không có chi phí từ vé tham quan thì việc trùng tu, bảo tồn, cải thiện môi trường du lịch, vệ sinh môi trường, tạo các sản phẩm mới phục vụ du khách khó thực hiện”, bà nói.

Theo phương án dự kiến, tại các lối vào chính quyền phân hai luồng cho du khách và người dân. Lối đi của người dân Hội An ra vào không hạn chế, không phải soát vé. Ngoài đường chính, người dân được đi các ngõ hẻm. Du khách bắt buộc đi các lối chính, tại đây có người chốt và hướng dẫn viên hỗ trợ mua vé tham quan.

Bà Cẩm chia sẻ thêm việc nhận diện phân biệt du khách với người dân đã được tính toán. Ban đầu, sẽ có lực lượng kiểm soát viên, hướng dẫn viên, sau này sẽ lắp đặt camera giám sát, khi phát hiện những người đi vào phố cổ không mua vé sẽ thì mời ra nơi mua vé. “Thành phố đang xây dựng số hóa vé tham quan để tích hợp nhận diện, mã QR, tạo thuận tiện cho du khách”, bà nói.

Xem Thêm:   Cây cô đơn ở Biển Chết

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc AZA Travel, ủng hộ việc thu phí tham quan phố cổ Hội An. Ông Đạt cũng nhấn mạnh thực trạng nhiều công ty làm đúng luật vẫn mua vé, một số lại trốn dễ dàng. Hội An có quá nhiều cửa ngõ để vào thành phố và không phải nơi nào cũng có chốt kiểm tra vé chặt chẽ. Điều này thực sự khiến các công ty làm đúng luật cảm thấy bất công.

Khu phố cổ bị nước lũ ngập hơn 1m tháng 11/2020 khiến nhiều nhà bị xuống cấp. Ảnh: Đắc Thành

Khu phố cổ bị nước lũ ngập hơn 1m tháng 11/2020 khiến nhiều nhà bị xuống cấp. Ảnh: Đắc Thành

Về đề xuất, ông Đạt cho biết Hội An nên có chính sách hợp lý với những du khách không có nhu cầu tham quan các di tích. Nhiều người chỉ muốn vào Hội An ăn bát mì, uống cốc cà phê nên việc thu đồng giá 80.000 đồng có thể chưa hợp lý. Mặt khác, nhiều khách ở khách sạn ngoài khu vực phố cổ nhưng vẫn đến chơi mỗi ngày. Thành phố cũng nên đưa ra các gói vé kiểu “combo ra vào nhiều lần” có giới hạn thời gian sử dụng.

Độc giả VnExpress cũng cho rằng nếu thu phí cần chọn phương án phù hợp. Phí 80.000 đồng một lượt có thể khiến du khách phải đi từ sáng đến tối, vào một lần đi hết rồi về luôn và hàng quán cũng chỉ bán cho khách đó được một ngày.

Phương án cuối cùng sẽ được chốt trong thời gian tới. “Hội An là một ‘di sản sống’ nên việc thu phí bước đầu chắc chắn khó khăn. Lượng khách sẽ giảm nhưng đó là điều chúng tôi cần chấp nhận”, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch TP Hội An, nói.

Đắc Thành – Tú Nguyễn

Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/y-kien-trai-chieu-ve-thu-phi-vao-pho-co-hoi-an-4589280.html

About The Author

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *