Ông Phùng Quang Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, nói “khá sốc” với giá vé máy bay nội địa gần đây. Cuối tháng 3, ông cùng một số doanh nghiệp đi khảo sát du lịch Phú Quốc từ Hà Nội. Dù chưa vào cao điểm, giá vé máy bay đã 8 triệu đồng khứ hồi. Người mua được rẻ cũng hơn 5 triệu đồng.

Nhiều người làm trong ngành du lịch cho hay câu chuyện giá vé máy bay không chỉ ảnh hưởng đến Phú Quốc mà còn nhiều điểm đến nội địa khác. Theo khảo sát của VnExpress, vé khứ hồi từ Hà Nội tới TP HCM dao động ở mức 3,5 đến 5 triệu đồng vào ngày thường, từ TP HCM/Hà Nội tới Đà Nẵng hoặc Huế khoảng 4-5 triệu đồng. Các chặng khác như Quy Nhơn, Nha Trang, Phú Yên có mức giá ngày thường và ngày lễ dao động 4 đến gần 7 triệu đồng. Nhìn chung, giá vé tăng khoảng 20%-40% so với cùng kỳ năm 2022, không chênh nhau giữa các hãng như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways hay Vietravel Airlines.

Hành khách tập trung đông tại sân bay Tân Sơn Nhất đầu năm 2023. Ảnh: Quỳnh Trần

Hành khách tập trung đông tại sân bay Tân Sơn Nhất đầu năm 2023. Ảnh: Quỳnh Trần

Có nhiều nguyên nhân khiến vé máy bay tăng cao từ sau dịch, không chỉ tập trung vào các dịp nghỉ lễ.

Đại diện các hãng hàng không cho biết, đầu tiên là do vấn đề cung cầu. Dịch vụ vận chuyển hàng không mang tính mùa vụ cao. Giai đoạn cao điểm như hè hay dịp lễ 30/4, nhu cầu đi lại tăng đột biến, trong khi nguồn cung của các hãng có hạn, dẫn đến giá vé bị đẩy lên. Vào ngày thường, nhu cầu đi lại cũng cao hơn cùng kỳ một năm trước sau khi gỡ bỏ mọi hạn chế. “Đây hoàn toàn là đặc trưng của vận tải hàng không”, đại diện Bamboo Airways chia sẻ.

Theo đại diện Vietnam Airlines, giá vé được các hãng thực hiện theo cơ chế dải linh hoạt, gồm nhiều mức từ thấp đến cao với các điều kiện khác nhau để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Loại vé giá thấp sẽ đi kèm hạn chế như không được hoàn hủy, đổi chuyến, giờ bay không đẹp. Khách mua sớm sẽ có cơ hội mua giá thấp, sát ngày phải trả giá cao hơn.

Xem Thêm:   Trần Đặng Đăng Khoa chạy 10km ở VnExpress Marathon Huế

Nhu cầu hành khách đi lại tăng cao trong dịp nghỉ lễ 30/4 nên nhiều chuyến bay đã đạt tỷ lệ lấp đầy trên 80%, đa số là các chặng từ Hà Nội và TP HCM đến những điểm du lịch “nóng” như Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Huế, Quy Nhơn (Bình Định), Phú Quốc (Kiên Giang). Giá thấp đã được mua hết, chỉ còn loại giá cao, song mức giá này vẫn nằm trong khung được Bộ Giao thông Vận tải quy định.

“Đây là quy luật cung cầu thị trường, nếu doanh nghiệp hàng không chỉ bán vé giá thấp, khuyến mại thì không bù đắp được chi phí”, đại diện Vietnam Airlines nói.

Ông Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không, cho hay giá nhiên liệu bay, tỷ giá, lãi suất đều tăng mạnh khiến chi phí của các hãng tăng, đẩy họ vào khó khăn.

Giá nhiên liệu tăng là rào cản hàng đầu với đà phục hồi của doanh nghiệp. Năm 2021, giá nhiên liệu bay bình quân khoảng 72 USD một thùng. Đến giữa năm 2022, giá xăng Jet A1 có thời điểm leo tới hơn 160 USD. Bình quân cả năm 2022, giá nhiên liệu bay khoảng 130 USD một thùng.

Đến 31/12/2022, theo báo cáo tài chính, Vietnam Airlines lỗ hơn 2.247 tỷ đồng, gấp đôi so với chi phí lãi vay. Năm 2021, khoản mục này của hãng chỉ lỗ khoảng 173 tỷ đồng. Vietjet cũng ghi nhận lỗ chênh lệch tỷ giá đã thực hiện xấp xỉ 570 tỷ đồng chỉ trong quý IV, trong khi cùng kỳ con số này chưa đến 4 tỷ đồng.

Hai hãng bay ra đời sau, Bamboo Airways và Vietravel Airlines, cũng không có lãi trong năm qua. Đại diện Vietravel Airlines từng chia sẻ giai đoạn cao điểm hè 2022 dù tăng giá vé, hãng vẫn chưa thể bù đắp được chi phí hoạt động.

Ông Nguyễn Vũ Hoàng, Giám đốc tiếp thị và truyền thông Vietravel Airlines, nói thêm bên cạnh chi phí xăng dầu tăng, các hãng không còn nhận được hỗ trợ như thời Covid-19. Lãi suất tăng, USD tăng giá cũng làm hoạt động của các hãng bay thêm khó khăn. Theo lãnh đạo Vietnam Airlines, phần lớn hợp đồng thuê bay đều được trả bằng USD, trong khi các đồng tiền bản địa ở các nước hãng đang có đường bay đến như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu bị mất giá mạnh.

Xem Thêm:   Quán bún riêu vịt bán hơn 200 bát trong ba tiếng

Lý do giá cao còn xuất phát từ việc vận hành. Việt Nam mở cửa du lịch ngày 15/3/2022. Giai đoạn 30/4/2022, ngành du lịch vẫn đang trong giai đoạn phục hồi, lượng khách quốc tế ít, nên các hãng hàng không tập trung khai thác thị trường nội địa với chính sách giá vé tốt.

Năm 2023, thị trường hàng không và du lịch khôi phục hoàn toàn, lượt khách trong và ngoài nước có thời điểm vượt năm 2019 (trước dịch). Sự biến động của thị trường đã đẩy chi phí vận hành tăng, dẫn đến giá vé cao hơn so với năm trước để đảm bảo hiệu quả khai thác, ông Hoàng cho hay.

Theo đại diện Cục Hàng không Việt Nam, tính đến ngày 31/3, lượng khách đặt chỗ đạt trung bình trên 80% tổng số chuyến bay dịp 30/4, một số chuyến đã hết chỗ. Vị này cũng cho rằng, để đáp ứng nhu cầu hành khách thì các hãng bay sẽ phải xin tăng chuyến. Nhưng các hãng đều đã khai thác chặng quốc tế nên phải cân đối nhân lực, máy bay, không thể ồ ạt tăng chuyến phục vụ vận tải nội địa như năm 2022 khiến các chuyến bay trong nước hạn chế hơn.

Du khách tắm nắng ở Bãi Sao, Phú Quốc. Ảnh: Ngọc Thành.

Du khách tắm nắng ở Bãi Sao, Phú Quốc. Ảnh: Ngọc Thành.

Ông Thắng nói hoàn toàn hiểu lý do hàng không tăng giá mạnh trong dịp lễ 30/4 nhưng bài toán đặt ra là tăng sao cho hợp lý? Hiện thu nhập của nhiều người dân bị ảnh hưởng vì kinh tế. Họ có thể trả khoảng 10 triệu đồng cho chuyến đi 4-5 ngày. Nhưng trả 7 hay 8 triệu đồng cho vé máy bay trong nước là điều không phải ai cũng đủ khả năng. “Giá vé quá cao khiến du lịch nội địa giảm sức cạnh tranh so với nước ngoài. Người dân sẽ đem tiền ra nước ngoài tiêu”, ông Thắng nói.

Xem Thêm:   Du lịch Huế thu 55,5 tỷ đồng dịp VnExpress Marathon

Một sản phẩm hay một chuyến du lịch không chỉ là câu chuyện của ngành hàng không. Hàng không chỉ là một mắt xích bên cạnh các dịch vụ như giải trí, mua sắm, lưu trú, ăn uống. Khi giá vé máy bay cao, khách đi du lịch ít và những mắt xích còn lại trong chuỗi sẽ bị ảnh hưởng.

Đến cuối tháng 3, dữ liệu từ nền tảng du lịch Mustgo, đối tác của 2.000 khách sạn trên cả nước, cho thấy công suất phòng khách sạn tại các điểm đến cần di chuyển bằng máy bay như Phú Quốc, Nha Trang hay Đà Nẵng dịp 30/4 chưa tới 60%, cùng kỳ các năm trước, có thể lấp tới 90%. Nhiều khách sạn, resort tại Phú Quốc đã bỏ phụ thu. Trong khi tại Sa Pa, nơi chỉ cần di chuyển đường bộ, khách sạn phân khúc dưới 2 triệu đồng một đêm đã kín chỗ. Loại cao cấp hơn đã lấp đầy gần 80%.

Đại diện Novotel Phu Quoc Resort lý giải hiện tượng máy bay tăng cao, nhưng tỷ lệ phòng lấp đầy không cao bởi tâm lý khách nội địa thường đặt phòng sát ngày đi trong khi vé máy bay thường đặt sớm hơn. “Một tuần trước lễ mới biết chính xác tỷ lệ kín phòng thế nào”, người này nói. Ngoài ra, nguyên nhân còn nằm ở việc số lượng các đường bay nội địa đã giảm do chia bớt với quốc tế, theo Cục Hàng không.

Ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Kiên Giang, cho biết từ cuối năm 2022, lượng khách đến Phú Quốc chững lại. Năm nay, đơn vị này ghi nhận nhiều trường hợp khách khách bỏ Phú Quốc sau khi được nghe báo giá vé máy bay. “Nhiều nhà hàng, khách sạn còn phải quay về giá ngày thường. Giờ còn phụ thu, tăng giá thì chi phí tour cao quá”, ông Huy chia sẻ. Tuy nhiên cũng có một thực tế, Phú Quốc năm 2023 không còn “hot” như một năm trước, du khách đã có thêm nhiều lựa chọn, nhất là ra nước ngoài, đại diện một công ty lữ hành lớn tại TP HCM nhận định.

Tú Nguyễn – Đoàn Loan – Anh Tú

Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/vi-sao-ve-may-bay-trong-nuoc-tang-cao-4590347.html

About The Author

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *