Nguyễn Cao Hồng Nhung (Rosie Nguyễn), 28 tuổi, ở Cần Thơ, hiện là quản lý tổng hợp cho một công ty nước ngoài, cũng làm công việc sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội. Từ 28/2 đến 24/3, Nhung và chồng, anh Houman Abouei (người Mỹ), đã có chuyến du lịch đến quốc gia thuộc vùng Trung Á, Tajikistan, từng là một nước cộng hòa của Liên Xô trước đây.

Pháo đài Hissar (Hiso), địa điểm xuất hiện trên tờ tiền 20 Somoni của Tajikistan.

Pháo đài Hissar (Hiso), địa điểm xuất hiện trên tờ tiền 20 Somoni của Tajikistan.

  

Tajikistan là một quốc gia nằm trong lục địa, không giáp biển. Bên cạnh phong cảnh hoang sơ, hùng vĩ, Tajikistan có bề dày lịch sử và văn hóa đa dạng do từng nằm dưới sự cai quản của nhiều đế quốc. Người Tajikistan đa phần sử dụng tiếng Ba Tư. Đơn vị tiền tệ là Somoni, tỷ giá 1.000 đồng bằng 0,46 Somoni.

Nhung cho biết hai vợ chồng lựa chọn Tajikistan vì chính sách visa thuận tiện cho công dân Việt Nam. Người Việt chỉ cần xin visa tại cửa khẩu, thủ tục đơn giản, có thời hạn 30 ngày. Nếu xin e-visa, thời hạn lưu trú được 90 ngày. Từ Việt Nam có đường bay thẳng đến Kazakhstan, nước láng giềng của Tajikistan. Du khách có thể kết hợp đi cả hai quốc gia này.

Ở Tajikistan mạng internet không phổ biến, Nhung cho rằng đây sẽ là nơi thích hợp với những người yêu nhịp sống chậm rãi, yên bình, phong cảnh thiên nhiên đẹp. Ở đây một tháng, Nhung không gặp một người Việt Nam nào, người nước ngoài cũng ít. Nhận ra người nước ngoài tại đây rất dễ do cách ăn mặc khác biệt.

Thời điểm thích hợp

Vợ chồng Nhung đến Tajikistan vào mùa xuân để tham gia lễ hội Nowruz Bayram (Lễ hội mùa xuân) của quốc gia này. Đây là lễ hội được tổ chức vào thời điểm chuyển giao năm mới theo văn hóa của người Tajikistan. Năm nay là ngày 21/3. Trong lễ hội, người dân sẽ trang trí khắp nơi và tổ chức nhiều cuộc diễu hành trên đường phố.

Xem Thêm:   Đà Nẵng sắp có phố ăn vặt

Cô cho hay người dân Tajikistan khuyên nên đến từ tháng 5 đến tháng 10, nhiệt độ ở thủ đô Dushanbe dao động trong khoảng 30-35 độ C. Thời tiết dễ chịu, phù hợp để di chuyển và tham quan các địa điểm. Mùa đông (từ tháng 11 đến tháng 4) cũng có vẻ đẹp riêng với những dãy núi, con đường phủ đầy tuyết. Tuy nhiên, nhiệt độ xuống âm độ C, tuyết rơi nhiều khiến việc di chuyển bị hạn chế, đường khó đi.

Lưu trú

Trong một tháng ở Tajikistan, Nhung và chồng thuê một căn chung cư cao cấp ở thủ đô Dushanbe với giá 800.000 đồng một đêm. Nếu đi ngắn ngày, du khách có thể lựa chọn các phòng lưu trú qua kênh Airbnb với giá rẻ hơn, khoảng 400.000 đồng một đêm.

Các địa điểm nổi tiếng

Địa điểm đầu tiên vợ chồng Nhung tham quan tại Tajikistan chính là thủ đô Dushanbe. Đường phố sạch sẽ. Hoa đào, tulip được trồng và nở rộ ở khắp nơi. Nhung đến công viên Rudaki để chiêm ngưỡng cột cờ Dushanbe (165 m), cột cờ cao thứ ba thế giới và quảng trường Dousti, nơi có đài tưởng niệmIsmoil Somoni, vị vua thứ mười của đế chế Samanid, thời ông vùng đất phát triển phồn thịnh.

Haji Yaqub, thánh đường Hồi giáo hơn 200 tuổi, là trung tâm Hồi giáo lớn nhất Tajikistan, ở Dushanbe. Thánh đường có mái vòm lớn, các bức tường nhiều màu sắc được trang trí bằng những hoa văn mang phong cách Ba Tư như những thánh đường ở Iran.

Pháo đài Hissar (Hisor) nằm ở thung lũng Hissar, là địa điểm lịch sử xuất hiện trên tờ tiền 20 Somoni của Tajikistan, cách Dushanbe gần 25 km. Pháo đài nằm trên sườn đồi cao, khuôn viên rộng, được bao quanh bởi lớp tường thành dày hơn 1 m. Trong khuôn viên học viện Madrassa-I Kuhnah nằm bên cạnh có một bảo tàng lưu giữ những di tích gần 2.000 năm tuổi.

Xem Thêm:   Khai trương đường bay đầu tiên kết nối Cần Thơ - Quảng Ninh

Sông Varzob dài khoảng 71 km nằm dọc vách núi của dãy Gissar, cách thủ đô Dushanbe khoảng 30 km. Sông chảy từ phía thảo nguyên xuống, nước trong và êm. Ngồi trên các phiến đá bên sông vừa có thể tận hưởng dòng nước mát, vừa có được những bức ảnh làm kỷ niệm.

Vợ chồng chị Nhung chụp ảnh tại Thánh đường Hồi giáo lớn nhất Tajikistan, Haji Yaqub.

Vợ chồng Nhung tham quan Thánh đường Hồi giáo lớn nhất Tajikistan, Haji Yaqub.

Văn hóa

Tajikistan là nơi khiến Nhung bị sốc văn hóa nhất trong số các quốc gia từng đến. Đạo Hồi dòng Sunni là tôn giáo chính ở Tajikistan nên vấn đề về trang phục tương đối khắt khe. Không chỉ nữ giới phải ăn mặc kín đáo, ngay cả nam giới cũng không được mặc quần short ra đường. Thậm chí nam và nữ không giao tiếp tại những nơi công cộng.

Cuộc sống của người dân khá yên bình. Nơi nhộn nhịp nhất là những khu chợ địa phương. Tại đây có những cửa hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ như tượng gỗ, đồ da, tượng vải, các loại khăn, thảm có hoa văn lạ mắt.

Ẩm thực

Trong dịp lễ hội năm mới của Tajikistan vào ngày 23/2, vợ chồng Nhung đã thưởng thức Qurutob. Đây là một món truyền thống được ăn bằng tay trong các bữa tiệc lớn như đám cưới hoặc ngày lễ. Các nguyên liệu chính gồm bánh mì, thịt cừu, hành tây, phô mai, yogurt. Nhung cho biết món ăn khá lạ miệng, mùi của thịt cừu khá nồng, không giống món nào cô từng ăn.

Món Qurutob truyền thống của Tajikistan.

Món Qurutob truyền thống của Tajikistan.

Vì không giáp biển nên ở đây chỉ có các loài cá nước ngọt, không có hải sản. Người dân Tajikistan chủ yếu ăn thịt bò, cừu, không ăn thịt lợn do theo đạo Hồi. Cách chế biến thường thấy là chiên hoặc xiên nướng, ăn cùng phô mai. Theo cảm nhận của Nhung, các món ăn ở Tajikistan có vị nồng và ngậy, không dễ ăn với người châu Á nhưng hợp khẩu vị của chồng chị (người Mỹ).

Xem Thêm:   Căn nhà phủ kín hoa chùm ớt thành điểm check in

So sánh với ẩm thực Việt Nam, các loại rau củ, trái cây không được đa dạng, nhưng các loại hạt hạnh nhân, óc chó giá rẻ hơn và chất lượng tốt, có thể mua làm quà tặng.

Lưu ý

Sân bay Dushanbe hiện chưa bán sim điện thoại và cũng không có wifi. Du khách nên đăng ký gói data quốc tế bằng sim Việt Nam nếu cần liên hệ gấp để tra cứu thông tin, gọi xe và liên lạc.

Trước khi đi, du khách nên tìm hiểu về văn hóa của người dân nơi đây để chuẩn bị trang phục cho phù hợp. Dù người dân có cái nhìn thoáng hơn với du khách nhưng không nên mặc những bộ trang phục để lộ cơ thể quá nhiều, tránh gây sự chú ý. Nữ giới nên cảnh giác khi đi ngoài đường phố vào ban đêm.

Nên mang theo mì gói, đồ khô và một số thuốc, đề phòng trường hợp bị đau bụng do không hợp đồ ăn.

Tiếng Anh không phổ biến tại Tajikistan. Ra khỏi thành phố có nơi không có mạng, việc sử dụng các app dịch gặp nhiều khó khăn. Đây là một bất lợi lớn với những khách du lịch không biết tiếng Ba Tư.

Trong thời gian một tháng ở Tajikistan, Nhung đã trải qua ba trận động đất. Dù chỉ là những cơn dư chấn và không gây thiệt hại nghiêm trọng nhưng du khách nên cân nhắc, tìm hiểu và lựa chọn thời điểm du lịch thích hợp.

Sau khi được tận trải nghiệm nền văn hóa lâu đời và khung cảnh hoang sơ, hùng vĩ của Tajikistan, Nhung nói “không nghĩ một đất nước được coi là ‘nghèo’ của khu vực Trung Á lại gây ấn tượng mạnh như vậy”.

Quỳnh Mai
Ảnh: Linglistjourney

Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/tajikistan-diem-den-cho-nguoi-thich-su-yen-binh-4585320.html

About The Author

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *