Những ngày qua, mạng xã hội Việt tràn lan từ khóa “đúng nhận sai cãi”. Vậy bạn có biết câu nói viral trên xuất phát từ đâu hay không?
Vài ngày trở lại đây, trên khắp các diễn đàn mạng xã hội từ Facebook cho đến Tiktok đều phổ biến những đoạn video clip hay các bài đăng nói về việc bổ hoa quả và câu “đúng nhận sai cãi”.
Rất nhiều fanpage lớn đều nhanh chóng “đu trend”. Những TikToker nổi tiếng cũng không bỏ qua cơ hội để được viral (phổ biến).
Tuy nhiên, dù rất hot và được sử dụng rộng rãi, song nhiều người vẫn chưa biết thực hư câu chuyện hay nguồn cơn xuất phát của câu nói “đúng nhận sai cãi” này.
Qua tìm hiểu được biết, câu nói “đúng nhận sai cãi” xuất phát đầu tiên từ những clip TikTok của một người phụ nữ được cho là cô đồng có tên T.H. Cô đồng T.H. thường có cách xem bói “độc lạ”. Cứ mỗi lần xem tướng, người phụ này sẽ bổ từng quả cau, nhìn vào phần ruột bên trong và bắt đầu đưa ra phán đoán.
Và mỗi lần kết thúc câu nói của mình, T.H. đều nói “đúng nhận sai cãi hộ cô cái”.
Thông thường mỗi lần tiếp khách, cô đồng T.H. sẽ quay lại clip đăng trên TikTok. Với phong cách nói chuyện bắt tai, nói nhanh và lưu loát, ngữ khí chắc nịch trong từng câu phán đoán, các đoạn clip của T.H. luôn thu hút nhiều lượt xem. Tài khoản TikTok của người này nhanh chóng nhận về hàng chục nghìn người theo dõi.
Trước sự viral của những đoạn clip của T.H., câu nói biểu tượng nhanh chóng trở thành hot trend và được cư dân mạng bắt chước.
Những đoạn video, clip với nội dung “Bổ quả…ta có…đúng nhận sai cãi hộ cô cái”, những bài viết với câu chốt tương tự đều thu về lượng tương tác “khủng”. Chính vì vậy, số lượng các bài đăng chứa câu nói viral trên xuất hiện ngày một nhiều.
Thậm chí, một số người còn áp dụng câu nói trên vào cả đời sống sinh hoạt hàng ngày. Những tin nhắn hài hước giữa người vợ “tra khảo” chồng, bạn gái “mè nheo” người yêu… đều được chia sẻ rầm rộ.
Có thể hiểu rằng cụm từ “đúng nhận sai cãi” được sử dụng khi người nói nói cho người nghe, người nghe cảm thấy đúng thì sẽ nhận là đúng. Trường hợp người nghe cảm thấy sai sẽ cãi, phản biện lại lời của người nói.
Tuy nhiên, hầu hết những nội dung của người nói đều có tính xác thực cao. Khả năng phản biện là rất thấp.
Và nếu như bị đối phương phản biện, người nói cũng sẽ nhanh chóng “chống chế” bằng các câu nói khác của cô đồng T.H. như: “cô nói cấm cãi”, “cô nói không có sai”…
Hiện, “đúng nhận sai cãi” vẫn đang là xu hướng thịnh hành trên mạng xã hội.
Nguồn : https://saodaily.com/364-trend-dung-nhan-sai-cai-la-gi-ma-cu-dan-mang-thi-nhau-bat-chuoc-d16885.html