Ba tuần trước kỳ nghỉ 30/4, ông Bùi Áng Văn, Tổng quản lý Kim Hoa Resort (đường Trần Hưng Đạo, Phú Quốc), cho hay hiện cơ sở trống khoảng 55% công suất phòng dịp lễ, trong khi một tháng trước lượng khách đặt đã lên tới 80-85%. Sau đó, khách báo hủy dần.
Vắng khách dịp lễ, ông Văn phải bỏ phụ thu tiền phòng và ăn uống dù nguyên liệu đầu vào tăng, lương nhân viên gấp ba ngày thường. Hiện mức giá một đêm tại cơ sở này khoảng 900.000 đồng một phòng dịp 30/4. Cùng kỳ các năm trước dịch, giá phòng thường khoảng 1,4 triệu đồng. Chủ khách sạn nói đã hạ giá “sập sàn”, nếu khách không đến cũng “đành chịu”.
“Chẳng riêng tôi, ai ở Phú Quốc cũng đang mệt mỏi vì thiếu khách. Háo hức đến 30/4 rồi thành ra như vậy”, ông Văn nói.
Khách sạn phân khúc cao cấp còn “thảm” hơn khi công suất phòng tính đến ngày 7/4 mới đạt 15%. Ông Tuấn Phan, Quản lý Truyền thông và Tiếp thị của một khách sạn 5 sao, cho biết đây là tình trạng chung của các cơ sở lưu trú cao cấp. Do chi phí đi lại đắt, khách hàng cũng khó chấp nhận trả thêm nhiều tiền ở khách sạn 5 sao, dù đã không còn phụ thu dịp lễ.
Không riêng các cơ sở lưu trú vắng khách, hướng dẫn viên ở Phú Quốc cũng chịu cảnh “đói” việc làm. Ông Trương Công Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Hướng dẫn viên chuyên nghiệp Phú Quốc, cho biết chỉ khoảng 35% hướng dẫn viên của Hiệp hội có lịch đi tour trong dịp 30/4. Hiệp hội cũng đã cố gắng tìm việc làm cho họ nhưng không khả quan khi khách đoàn “quay lưng” với Phú Quốc.
Theo ông Tâm, dịp 30/4 hàng năm, kể cả hai năm dịch 2021 và 2022, Phú Quốc luôn “cháy” hướng dẫn viên. Các công ty lữ hành đã ký hợp đồng thuê hướng dẫn viên trước đó 1-2 tháng. Chi phí thuê không thể giảm như khách sạn, nhà hàng, nhà xe bởi lương của họ vốn không cao (chỉ khoảng 600.000 đồng một ngày). Nếu giảm cũng chỉ bớt được 50.000-100.000 đồng và con số này không thấm gì so với tổng chi phí chuyến đi.
Vé máy bay tăng và đường bay hạn chế
Ông Văn cho hay đa số các trường hợp hủy đặt phòng vì giá vé máy bay cao, có thời điểm lên tới gần 10 triệu đồng một người cho chuyến khứ hồi từ Hà Nội. Theo ghi nhận của VnExpress đầu tháng 4, vé máy bay khứ hồi Hà Nội – Phú Quốc vào dịp nghỉ lễ 30/4 đang dao động từ 6 đến hơn 10 triệu đồng, từ TP HCM khoảng 3,5 đến 4 triệu đồng tuỳ hãng hàng không, thời gian bay và hạng vé.
“Không hiểu sao năm nay vé máy bay đi Phú Quốc còn đắt hơn đi Thái Lan, Singapore. Tôi cũng không biết chiến lược giá của các hãng hàng không thế nào”, ông Tuấn Phan cho hay.
“Tôi làm nghề này cả chục năm rồi nên hiểu vé chỉ 5-6 triệu khách đã than rồi. Đằng này còn tăng đến cả chục triệu đồng. Vé máy bay ảnh hưởng quá nhiều đến thị trường khách Phú Quốc dịp lễ này”, ông Tâm nói.
Bà Lê Thị Hải Châu, Tổng thư ký Hội Đầu tư Phát triển Du lịch Phú Quốc (PITDA), nhận xét thị trường khách ở “đảo ngọc” có đặc thù phụ thuộc gần như hoàn toàn vào đường hàng không. Cũng có một số du khách đi đường biển từ Rạch Giá và Hà Tiên, nhưng số lượng không nhiều.
Trong khi đó, giá vé máy bay dịp 30/4 lại tăng gấp 1,5-2 lần so với cùng kỳ năm trước đối với các chặng chính như Hà Nội – Phú Quốc và TP HCM – Phú Quốc. Điều này gần như ngay lập tức làm giảm thị phần và về lâu dài sẽ gây mất đà tăng trưởng du lịch Phú Quốc. Thực tế, từ Tết Âm lịch đến nay, lượng khách du lịch đến Phú Quốc đã có dấu hiệu chững lại.
“Phú Quốc là điểm đến phụ thuộc chính vào đường hàng không nhưng các đơn vị dịch vụ vận chuyển lại thiếu giải pháp hợp lý. Vấn đề này sẽ cản trở lớn đến chính sách du lịch nói chung của quốc gia”, bà Châu nói.
Gần sát ngày nghỉ lễ, tuỳ năm mà giá máy bay có thể giảm. Nhưng điều này cũng chỉ giúp Phú Quốc “vơ bèo gạt tép” thêm lượng ít khách lẻ, gia đình. Ông Văn nói khách đoàn thường chốt lịch ít nhất khoảng một tháng rưỡi trước ngày đi. Hiện chỉ còn chưa đầy 3 tuần nên hy vọng đón thêm các đoàn khách lớn tới Phú Quốc rất mong manh. Nhóm khách này sẽ không thể chờ vé giá chót, canh vé rẻ như khách lẻ nên họ đã chuyển sang những điểm đến hợp lý hơn.
Bên cạnh vấn đề giá vé cao, bà Châu cũng chỉ ra sự hạn chế về đường bay trực tiếp giữa Phú Quốc và các thị trường quốc tế cũng khiến thành phố này vắng khách.
Năm 2019, thị trường Phú Quốc thường xuyên có các đoàn charter từ Nga, Đông Âu và các chuyến bay thẳng từ Thái Lan, Singapore, Trung Quốc (bao gồm Đài Loan) và Hàn Quốc. Hiện các chuyến bay này gần như chưa khai thác trở lại và chỉ còn một hãng bay chặng Thái Lan – Phú Quốc và Seoul – Phú Quốc với số lượng rất hạn chế. Do vậy, thị trường Phú Quốc “không có may mắn phục hồi về thị phần quốc tế như các điểm đến khác”.
“Sau năm 2022 bùng nổ, ai cũng kỳ vọng về sự phát triển của du lịch Phú Quốc. Nhưng đến nay, kết quả không được như kỳ vọng cả về số lượng du khách, tỷ lệ lấp đầy, thị phần và cả doanh thu”, bà Châu nói.
Sắp tới, UBND tỉnh Kiên Giang sẽ họp tìm giải pháp cơ chế vé máy bay để thúc đẩy phát triển du lịch Phú Quốc cùng đại diện 4 hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Vietravel Airlines. Hội Đầu tư và Phát triển Du lịch Phú Quốc đã kiến nghị vấn đề này sau khi họ khảo sát và nhận thấy nhiều du khách “quay lưng” với Phú Quốc vì giá vé máy bay cao.
Tú Nguyễn
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/phu-quoc-vang-khach-vi-ve-may-bay-cao-4591047.html