Hồ Trị An rộng 323 km2 thuộc huyện Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Trảng Bom và Định Quán. Hồ nằm cạnh rừng nguyên sinh nên những ngày cuối tuần, hàng trăm người từ TP HCM, Bình Dương, Biên Hòa (Đồng Nai) đổ về đây cắm trại, câu cá, tắm hồ, chèo SUP tạo nên cảnh tượng nhếch nhác. Những dịp nghỉ lễ, nơi này còn đông hơn.

Một điểm du lịch sinh thái tự phát ở xã Hiếu Liêm được xây dựng trong diện tích lòng hồ. Ảnh: Phước Tuấn

Một điểm du lịch sinh thái tự phát ở xã Hiếu Liêm được xây dựng trong diện tích lòng hồ. Ảnh: Phước Tuấn

Trước nhu cầu nghỉ ngơi của du khách tăng sau dịch, nhiều nhà đầu tư về mua đất rừng, rẫy của người dân địa phương bằng giấy tay (do đất chưa có sổ đỏ) rồi dựng lều trại, quán cà phê, cơ sở lưu trú du lịch. Một số người dân cũng làm theo khiến các cơ sở du lịch mọc lên “như nấm sau mưa”.

Các hộ kinh doanh tự phát nhiều nhất ở các xã Mã Đà, Phú Lý, Hiếu Liêm của huyện Vĩnh Cửu. Không xây dựng bê tông cốt thép song các cơ sở này đầu tư hàng loạt lều trại được làm bằng khung sắt, lớp mái lá, đổ nền kiên cố. Để hút du khách, ngoài nghỉ dưỡng, ăn uống, các dịch vụ liên quan đến sông nước như ca nô, kayak, chèo SUP cũng được triển khai. Không chỉ xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất rừng, các cơ sở còn lấn chiếm diện tích vùng bán ngập của lòng hồ.

Xem Thêm:   Khách Việt sẵn sàng chi tiền cho 'du lịch xanh'

Ngoài các cơ sở du lịch sinh thái tự phát, nhiều bạn trẻ cũng tìm đến các bãi đất trống để tự cắm trại, tổ chức tiệc qua đêm khiến tình hình an ninh trật tự phức tạp. Công an Đồng Nai đã lập chuyên án triệt phá nhóm thanh niên chuyên “xin đểu” tại khu vực này.

Việc hàng loạt các cơ sở du lịch trái phép và tự phát bên hồ dấy lên lo ngại về ô nhiễm nguồn nước cho hạ nguồn TP HCM, Bình Dương và Biên Hòa cũng như đảm bảo an toàn thân đập. Sau các vụ đuối nước thời gian qua, UBND huyện Vĩnh Cửu chỉ đạo UBND xã Mã Đà, Hiếu Liêm, Phú Lý rà soát các cơ sở xây dựng, hoạt động chui và yêu cầu ngừng hoạt động.

Ông Trần Đức Sơn, Chủ tịch UBND xã Mã Đà, cho biết toàn xã có hơn 30 cơ sở du lịch vi phạm xây dựng trên đất lòng hồ và đất rừng. Các điểm này đều tự phát, chưa đủ điều kiện kinh doanh. Chính quyền đã yêu cầu họ tự tháo dỡ.

Trong cuộc họp về phát triển du lịch của tỉnh mới đây, Phó chủ tịch UBND, Nguyễn Sơn Hùng, cũng yêu cầu chính quyền địa phương, các sở, ngành tập trung rà soát thực tế, thống kê, tình hình hoạt động du lịch, nhất là tình trạng mất an ninh trật tự xảy ra tại hồ Trị An. “Các vi phạm ở khu vực lòng hồ phải kiên quyết xử lý, không được để phát sinh thêm vi phạm”, ông Hùng nói.

Xem Thêm:   Thỏa sức ăn uống, mua sắm với top 15 đặc sản Hà Giang nổi tiếng nhất hiện nay
Du khách đổ về các điểm du lịch tự phát để tắm dẫn đến nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm gần đây. Ảnh: Phước Tuấn

Du khách đổ về các điểm du lịch tự phát để tắm dẫn đến nhiều vụ tai nạn đuối nước gần đây. Ảnh: Phước Tuấn

Ông Trần Đăng Ninh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng Nai, cho hay việc các cơ sở du lịch sinh thái tự phát ven hồ Trị An chưa đúng quy định, ảnh hưởng đến môi trường và nguy hiểm cho du khách. Nhưng ông cho rằng có nhu cầu cắm trại nghỉ dưỡng ở khu vực này và đã đề xuất chính quyền có cơ chế tháo gỡ giúp việc hoạt động đi vào quy củ.

“Các cơ sở này nên tổ chức thành một hợp tác xã hay du lịch cộng đồng. Khi đó nhân viên cần tập huấn công tác cứu hộ, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường”, ông Ninh nói.

Một chủ cơ sở du lịch ở ấp 3 cho biết đã tự tháo dỡ lều trại vi phạm, nhưng mong được chính quyền hướng dẫn, tạo điều kiện cấp phép để những cơ sở này đi vào hoạt động có sự quản lý của ngành du lịch.

Cùng với khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai và rừng quốc gia Nam Cát Tiên, khu bảo tồn vùng nước nội địa Trị An tạo thành khu dữ trữ sinh quyển Đồng Nai. Ngoài cung cấp nước cho nhà máy Trị An, hồ còn làm nhiệm vụ cung cấp nước ngọt cho các nhà máy hạ nguồn, điều tiết thủy lợi, đẩy mặn, xả lũ.

Xem Thêm:   Malaysia muốn hút khách Việt vì 'tiêu nhiều ở lâu'

Phước Tuấn

Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/no-ro-diem-du-lich-sinh-thai-khong-phep-o-ho-tri-an-4594643.html

About The Author