Thông tin liên quan về phiên đấu giá các đạo sắc phong, chủ yếu của vua thời Nguyễn, hiện không còn trên website của công ty.
Đại diện Cục Văn hóa Di sản cho biết ngày 17/4, họ nhận được văn bản từ tỉnh Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương xác nhận hiện vật được rao bán là tài sản của địa phương bị đánh cắp. Trước đó, Cục đề nghị các địa phương xác minh tính xác thực của sắc phong, xây dựng hồ sơ chứng minh nguồn gốc sắc phong từ các di tích, bảo tàng và địa điểm liên quan.
Ngày 18/4, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có văn bản gửi Bộ Ngoại giao đề nghị phối hợp, hỗ trợ triển khai các bước tiếp theo. Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải đã làm việc với các cơ quan chức năng liên quan, đề nghị dừng cuộc đấu giá và cung cấp thông tin về các sắc phong. Ngày 19/4, đại diện Cục Văn hóa và Du lịch Thượng Hải thông báo yêu cầu dừng đấu giá và sẵn sàng phối hợp để xác minh thông tin.
Đại diện Bộ nêu: “Phía các cơ quan, tổ chức liên quan của Trung Quốc đã thể hiện thiện chí phối hợp tích cực với Việt Nam để giải quyết theo tinh thần thực hiện cam kết của các quốc gia thành viên tham gia Công ước UNESCO 1970”.
Năm 1970, tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua công ước về “Các biện pháp ngăn cấm xuất, nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa”. Công ước này là một công cụ pháp lý quan trọng để cộng đồng quốc tế nói chung và các nước thành viên có thể hạn chế, tiến tới ngăn chặn việc buôn bán trái phép tài sản văn hóa.
Bộ Ngoại giao cho biết tiếp tục chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Trung Quốc phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan, địa phương liên quan để theo sát vụ việc và có biện pháp hỗ trợ khi cần thiết.
Trước đó, hãng đấu giá Dương Minh Thượng Hải giới thiệu các cổ vật trong phiên đấu giá Xuân 2023, dự kiến diễn ra vào ngày 22/4. Theo hãng này, có 12 đạo sắc phong – chủ yếu của vua thời Nguyễn. Những thánh chỉ này in trên giấy vàng, họa tiết rồng, còn nguyên vẹn.
Trong số đó có sắc phong được cho là của vua Lê Hiển Tông dành cho hoàng đế triều đại trước, ban bố năm Cảnh Hưng thứ nhất (1740). Mức giá khởi điểm của sắc phong là 2.800 nhân dân tệ (9,5 triệu đồng). Bức thứ hai được cho là sắc phong thần ban hành năm Thiệu Trị thứ tư (1844), nói về công đức của thiền sư thời Lý Từ Đạo Hạnh, có giá khởi điểm 2.800 nhân dân tệ. Thánh chỉ khác được rao bán là của vua Thành Thái, ban bố năm 1889, sắc phong vị thần làng ở xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Hưng Hóa (cũ).
Sắc phong là văn bản truyền mệnh lệnh của vua, phong chức tước cho quý tộc, quan chức, khen thưởng những người có công hoặc phong thần và xếp hạng cho các vị thần được thờ trong các đình, đền, chùa trong tín ngưỡng làng xã của người Việt.
Công ty đấu giá Dương Minh Thượng Hải được Cục Công thương thành phố Thượng Hải và Ủy ban Thương mại thành phố Thượng Hải phê chuẩn thành lập năm 2014. Sau đó, công ty này được Cục quản lý di sản văn hóa Trung Quốc cấp phép đấu giá các sản phẩm liên quan di sản. Các mặt hàng chủ yếu được đấu giá ở hãng này gồm tiền cổ, trái phiếu cổ, các tư liệu lịch sử.
Theo website của nhà đấu giá, từ tháng 6/2016 đến nay, gần 100 đạo sắc phong của hoàng đế, chủ yếu thời Hậu Lê, Nguyễn, được đăng bán qua hãng Dương Minh Thượng Hải, mức giá phổ biến từ 3.000 tới 10.000 nhân dân tệ (từ 10,2 tới 34 triệu đồng).
Hiểu Nhân
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/nha-dau-gia-trung-quoc-dung-rao-ban-sac-phong-viet-nam-4595893.html