Đảm nhiệm vai trò giám đốc âm nhạc chương trình Mùa chuyển, Đỗ Bảo dành nhiều công sức làm mới các tác phẩm của anh và cố nhạc sĩ Phú Quang. Đỗ Bảo nói cả hai khác biệt về phong cách sáng tác – nhạc sĩ Phú Quang viết các bài ngắn, cô đọng, có khi chỉ khoảng 10 câu trong khi anh thích viết dài, gửi gắm nhiều tâm sự. Dù vậy, họ tương đồng ở chất tự sự và chủ đề tình yêu Hà Nội, tình yêu cái đẹp. Đỗ Bảo thực hiện nhiều bản mash-up ca khúc của cả hai theo chủ đề.
Hai nhạc phẩm Điều giản dị, Bức thư tình đầu tiên được Hà Trần, Tấn Minh hát với nét tươi mới, bay bổng. Với tiết mục Những mùa đông yêu dấu (Đỗ Bảo) và Em ơi Hà Nội phố (Phú Quang), Ngọc Anh 3A, Tấn Minh, Hà Trần và Thanh Lam thể hiện phong cách pha trộn giữa chất nhạc nhẹ và cổ điển đặc trưng của hai nhạc sĩ.
Xuyên suốt ba tiếng rưỡi, Đỗ Bảo sắp xếp 25 ca khúc theo một trình tự mạch lạc. Anh làm mới nhiều bài hát với các chất liệu như swing pop (Những khung trời khác, Đỗ Bảo), blues (Biết mãi là bao lâu, Đỗ Bảo), bossa nova (Khúc mưa, Phú Quang). Người nghe đi từ cảm xúc bâng khuâng, đơn phương khi yêu trong Chiều không em (Đỗ Bảo), Một dại khờ, một tôi (Phú Quang) đến những rung động mãnh liệt trong Tình khúc 24 (Phú Quang), Biết mãi là bao lâu (Đỗ Bảo). Cuối chương trình, nhạc sĩ gợi cảm giác mộng mị, nửa hư nửa thực qua các nhạc phẩm giàu hình tượng, tính triết lý như Điều hoang đường nhất (Đỗ Bảo), Trong giấc mơ xưa (Phú Quang).
Êkíp tạo khoảng lặng khi phát video nhạc sĩ Phú Quang đàn ca khúc Sẽ một mình thôi. Bản đàn của nhạc sĩ kết thúc, tiếng piano của con gái ông – nghệ sĩ Trinh Hương – vang lên, gửi gắm ý nghĩa về sự tiếp nối của hai thế hệ, đồng thời khẳng định âm nhạc của ông sẽ tiếp tục trường tồn.
Đêm nhạc không có MC, Tấn Minh dẫn dắt một số câu chuyện nhỏ, kết nối các nghệ sĩ. Anh tặng Ngọc Anh 3A bánh kem, chúc mừng sinh nhật cô trên sân khấu. Anh hỏi Hà Trần, Đỗ Bảo về mối quan hệ giữa hai người. Cả hai cùng học ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, gắn bó từ thời sinh viên. Hà Trần nói cô và Đỗ Bảo đều “nhạt”, đến nỗi rủ nhau đi cà phê nhưng chẳng có gì để nói, ca sĩ lúng túng đành lôi bấm móng tay ra cắt. “Tất cả những gì mặn mà nhất, tôi và Đỗ Bảo dường như đã gửi gắm trong âm nhạc”, Hà Trần cho biết.
Ngoài âm nhạc, chương trình ghi điểm ở phần thiết kế sân khấu, lấy cảm hứng từ những mái nhà lô xô của phố cổ Hà Nội. Ở sảnh, họa sĩ Lê Thiết Cương đặt một góc mang tên Lòng phố, gợi hình ảnh Hà Nội khi chuyển từ xuân sang hạ. Tên các ca khúc trong chương trình được chạm lên một thiết kế hình hộp, có đèn chiếu từ trên xuống.
Người yêu nhạc Phú Quang, Đỗ Bảo đa số thuộc lứa tuổi trung niên, thưởng thức âm nhạc trong yên lặng và thể hiện cảm xúc qua những tràng vỗ tay không ngớt mỗi khi tiết mục kết thúc. Nhà thơ Thụy Kha – một trong những khán giả – cho biết hài lòng vì chương trình chỉnh chu từ âm nhạc, âm thanh, ánh sáng, bố cục sân khấu.
“Tôi nghĩ cái tên Mùa chuyển mang nhiều ý nghĩa. Đó vừa là sự chuyển giao của thiên nhiên từ xuân sang hạ, vừa là sự tiếp nối của hai thế hệ – nhạc sĩ Phú Quang và Đỗ Bảo. Dấu ấn lớn nhất của Mùa chuyển thể hiện qua hai bản mash-up. Đỗ Bảo đã tận dụng các ca khúc cũ để sáng tạo một tác phẩm độc lập, có đời sống riêng”, ông Thụy Kha nói.
Hà Thu
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/khi-am-nhac-phu-quang-do-bao-hoa-quyen-4596644.html