Sách Sự mê hoặc từ nghệ thuật xăm hình được phát hành hôm 12/4, dày gần 180 trang, giới thiệu nguồn gốc của lịch sử xăm hình, phân tích ý nghĩa các loại xăm cổ, các hình mẫu bắt nguồn từ thần thoại, sử thi. Theo Trung Tadashi, nhiều người cho rằng xăm chỉ là sở thích của giới trẻ ngày nay, thói quen của giới giang hồ, song loại hình này có lịch sử hàng nghìn năm.

Bìa sách Sự mê hoặc từ nghệ thuật xăm hình do Nhà xuất bản tổng hợp TP HCM phát hành. Ảnh: Lê Sơn

Bìa sách “Sự mê hoặc từ nghệ thuật xăm hình” do Nhà xuất bản tổng hợp TP HCM phát hành. Ảnh: Lê Sơn

Sách kể các câu chuyện ngư dân xăm mình để hóa trang thành thủy tộc, tiện lợi cho việc đánh cá, hay quân lính xăm ký hiệu của nhà vua để đánh dấu quân đội triều đình. Theo Lĩnh Nam chích quái – tác phẩm văn học dân gian, từ thời Hùng Vương, người Việt đã có tục xăm mình. Thời Văn Lang, giao long thường quấy phá, vua Hùng cho rằng nếu ngư dân hóa trang thành rồng sẽ không bị gây trở ngại nữa, ra lệnh cho dân lấy màu xăm vào người.

Nối tiếp tục lệ của người Việt cổ, nghệ thuật xăm phát triển vào giai đoạn Lý – Trần. Tác phẩm kể thời nhà Trần, những người trong hoàng tộc, hay phục vụ cung đình, đều phải xăm hình lên cơ thể. Nhiều di tích khảo cổ như các tượng người chạm khắc nhiều hoa văn hình rồng, chim lạc, chứng tỏ tập tục này được người khi đó yêu thích.

Xem Thêm:   Sao 'Stranger Things' đính hôn ở tuổi 19

Tác giả cũng phân tích các hình tượng quan trọng trong văn hóa Á Đông như phượng hoàng, rồng, cá koi, hoa anh đào, hạc trắng. Ví dụ, rồng châu Á – một trong những hình xăm Trung Tadashi được yêu cầu nhiều – mang tinh thần dũng mãnh, cao thượng, đòi hỏi người thợ có tay nghề cao. Để thể hiện chân rồng, anh tìm hiểu kỹ chân cá sấu, gà, chim, sau đó vẽ chân trước rồng xòe ra, các chân sau xếp lại trong trạng thái nghỉ ngơi. Họa sĩ thường thực hiện các tác phẩm bằng kỹ thuật freehand – vẽ tay trực tiếp lên da nhằm ôm trọn cơ thể, khắc họa ngoại hình của rồng.Ấn phẩm cũng giới thiệu những mẫu hình xăm quảng bá văn hóa, du lịch Việt như thiếu nữ đội nón lá, chùa Một Cột (Hà Nội), lăng tẩm các triều vua (Huế), vịnh Hạ Long (Quảng Ninh).

Họa sĩ mất một năm sưu tầm các tư liệu trong nước, quốc tế để viết sách. Nhiều thông tin khó tiếp cận, Trung Tadashi nhờ bạn bè ở nước ngoài mua catalogue gửi về. “Qua ấn phẩm, tôi muốn nhắn các bạn trẻ rằng xăm hình không chỉ cần kinh nghiệm mà còn phải tìm hiểu kỹ câu chuyện, bối cảnh của mỗi hình ảnh để tạo nên các tác phẩm mang đậm dấu ấn của người vẽ”, anh nói.

Trung Tadashi tại triển lãm cá nhân về xăm hình nghệ thuật năm 2022. Ảnh: Lê Sơn

Trung Tadashi tại triển lãm cá nhân về xăm hình nghệ thuật năm 2022. Ảnh: Lê Sơn

Nhà thơ Lê Minh Quốc đánh giá cuốn sách có phần thông tin dày dặn, được chọn lọc qua nhiều nguồn tài liệu. Ông tâm đắc phần họa sĩ kể chuyện vận dụng nghệ thuật xăm hình như một cách quảng bá văn hóa. “Tôi cũng thích những mẩu chuyện nghề anh kể, như việc họa sĩ từng từ chối nhiều bạn trẻ đi xăm trong tâm trạng tiêu cực, phân tích cho họ hiểu và cân nhắc, để sau đó không phải hối tiếc với những hình ảnh theo họ suốt đời”, nhà thơ nói.

Xem Thêm:   Sai sót trong vụ diễn viên xiếc tử vong

Hôm 12/4, Trung Tadashi được đại diện Tổ chức kỷ lục Việt Nam trao bằng kỷ lục về “Sách trong nước đầu tiên giới thiệu nghệ thuật xăm hình Á Đông bằng song ngữ Anh – Việt”.

Trung Tadashi sinh năm 1978, tên thật là Trần Nhật Trung. Anh chọn nghệ danh do có bố mẹ nuôi là người Nhật Bản. Năm 2012, sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP HCM, anh bắt đầu theo đuổi xăm hình nghệ thuật. Năm 2017-2018, họa sĩ đoạt nhiều giải về các cuộc thi hình xăm được tổ chức ở Australia, Đan Mạch. Năm 2019, anh làm giám khảo tại Vietnam Tattoo Convention 2019 – giải thi đấu thường niên diễn ra tại TP HCM. Năm 2022, Trung Tadashi mở triển lãm cá nhân đầu tiên ở Hội Mỹ thuật TP HCM.

Mai Nhật

Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/hoa-si-viet-sach-ve-nghe-thuat-xam-hinh-a-dong-4592559.html

About The Author

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *