Nhạc sĩ nói về những dự định với âm nhạc dịp tham gia chương trình Hà Nội – Mùa chuyển (tôn vinh hai tác giả Phú Quang, Đỗ Bảo), diễn ra ngày 21 và 22/4 ở Nhà hát Lớn Hà Nội.
– Vì sao những năm gần đây anh ít ra sản phẩm cũng như làm show mới?
– Sau album và liveshow Cánh cung năm 2013, tôi bước vào ngưỡng tuổi 35, bận rộn một số công việc của gia đình, hỗ trợ bà xã kinh doanh, dạy dỗ con cái, chăm sóc bố mẹ ốm. Thực ra, tôi chưa bao giờ dừng hoạt động âm nhạc, luôn âm thầm viết, tích góp, lên kế hoạch trở lại.
Nếu một nhạc sĩ tích cực tham gia showbiz, thời gian dành cho sáng tạo cá nhân sẽ không còn nhiều. Người sáng tác không nên bị vướng bận bởi những hoạt động bề nổi, dễ gây xao nhãng. Vì thế, tôi chọn lánh xô bồ để lặng mình viết nhạc.
Tôi ít theo dõi làng nhạc trẻ, chỉ nghe một thoáng để biết, nếu không hợp thì lập tức bỏ qua. Tôi vốn có thành kiến với âm nhạc giải trí, các bài hát thị trường. Chúng có lý do để tồn tại, phù hợp nhu cầu nhiều người nhưng không phải thế giới của tôi.
– Anh thường sáng tác chủ đề gì những năm qua?
– Thế hệ nhạc sĩ 7x như tôi vào nghề trong giai đoạn thông tin đại chúng bắt đầu phát triển, khán giả có nhiều lựa chọn, không thể nổi tiếng theo kiểu nhà nhà người người đều biết như các bậc cha chú. Chúng tôi buộc phải chinh phục những nhóm đối tượng riêng.
Tôi đã trải qua 30 năm cầm bút, có hàng trăm ca khúc thuộc nhiều phong cách, không phải bài nào khán giả cũng biết đến. Vài năm gần đây, tôi viết ít hơn trước, chọn lọc và tiết chế hơn. Bên cạnh tình yêu là đề tài bất biến, tôi thích viết những nhạc phẩm có tính triết lý, suy tư. Ngoài đề tài, về mặt âm nhạc, các tác phẩm của tôi gần gũi với người trẻ hơn, đồng thời có sự du nhập các xu hướng quốc tế.
Tôi còn một mảng nhỏ là sáng tác ca khúc theo đơn đặt hàng, có nhiều bài khá tâm đắc. Nhạc sĩ Hoàng Vân, Nguyễn Văn Tý từng viết nhiều về các ngành nghề một cách rất đẹp. Tôi cũng muốn dùng cảm xúc thật của mình phản ánh một góc nào đó của cuộc sống qua những bài hát như vậy. Tôi tâm đắc ca khúc viết về thành phố Ninh Bình, mang tên Tình nơi đây như lụa.
– Nổi tiếng với chùm ca khúc “Bức thư tình”, anh dự định tiếp nối mạch cảm xúc này thế nào?
– Bức thư tình đầu tiên ra mắt năm 2003, được khán giả yêu thích một phần nhờ mang đậm yếu tố pop, ca từ, hòa âm sáng tạo ở thời điểm ấy. Chuỗi bài đang dừng ở Bức thư tình số 5 (năm 2012). Trong gia tài sáng tác của mình, tôi hoàn toàn có thể lấy một ca khúc nào đó rồi đặt tên Bức thư tình thứ 6, thứ 7… nhưng tôi không làm thế được. Tôi muốn những ca khúc này mang màu sắc thú vị, bay bổng, có chất riêng không giống ai. Những năm qua, tôi có viết thêm và gom góp lại, chờ dịp phù hợp mới giới thiệu. Tôi vẫn lạc quan, nghĩ rằng mình còn trẻ, việc này cứ để từ từ. Trước mắt, tôi dự định làm liveshow cá nhân dịp cuối năm.
– Anh từng nói nghệ sĩ không thể chỉ uống rượu ngâm thơ rồi làm nhạc, không màng chuyện tiền nong. Anh làm thế nào để cân bằng đam mê nghệ thuật và nỗi lo cơm áo?
– Đó là một cuộc đấu tranh giữa cái tôi nghệ thuật và cái tôi thực tế trong mỗi con người. Người nhạc sĩ dù mơ mộng đến đâu cũng vẫn phải sống, dung hòa hai yếu tố này. Ví von đơn giản, họ phải kiếm đủ phần bánh mỳ và giữ lấy giấc mộng hoa hồng của mình. Nếu chỉ chạy theo vật chất, anh ta không còn là nghệ sĩ. Ngược lại, nếu mơ mộng cực đoan, thiếu thực tế, một nghệ sĩ sẽ không đủ sức sáng tác, theo đuổi lý tưởng lâu dài.
Từ khi 16, 17 tuổi, tôi đã may mắn được tiếp xúc nhiều nghệ sĩ lớn như chú Trần Tiến, Dương Thụ, chị Thanh Lam… Từ việc quan sát các bậc cha chú, anh chị, tôi đúc rút ra góc nhìn về mặt trái của đời sống văn nghệ, tìm cách tự cân bằng. Tôi thấy người thân của mình chưa từng phàn nàn, nói tôi quá mơ mộng, thiếu thực tế.
– Anh áp lực gì khi đặt các sáng tác của mình cạnh gia tài âm nhạc của cố nhạc sĩ Phú Quang trong show sắp tới?
– Chú Phú Quang là người đi đầu trong việc viết những bản tình ca, pha trộn giữa chất nhạc nhẹ và cổ điển ở Hà Nội. Ông thích sự giao thoa giữa âm nhạc và thi ca, có thiên phú trong việc phát hiện thơ hay và phổ nhạc. Chú Phú Quang viết các bài hát rất ngắn, có khi chỉ khoảng 10 câu. Tôi thì khác. Tôi viết khá dài, thích gửi gắm nhiều tâm sự, cũng không có năng khiếu phổ thơ. Trong ca khúc Bài ca thời đại, tôi từng viết: “Buồm căng gió ra khơi, mỗi con thuyền một thời gian, một lịch sử”. Mỗi con người cũng vậy, có sứ mệnh riêng, câu chuyện riêng. Tôi muốn người nghe thưởng thức với tâm thế đây là liveshow của hai tác giả họ yêu quý, mang đến thứ âm nhạc đẹp đẽ.
Khi còn sống, chú Phú Quang nghiêm túc, khắt khe, cầu toàn, nhạc công không được đánh sai nốt, ca sĩ không được hát sai lời. Khi phối khí, tôi cố gắng để các ca khúc của tôi và chú khi đi theo một mạch truyện đan xen, không gây ra sự nhàm chán, buồn tẻ. Một số bài được hòa âm khác hẳn đi nhưng có những bài vẫn giữ nguyên chất Phú Quang.
Đỗ Bảo sinh năm 1978 ở Hà Nội, tham gia thành lập, biểu diễn, sáng tác ở ban nhạc Sao Mai khi mới 15 tuổi. Ở tuổi 24, anh thực hiện phần lớn phần hòa âm phối khí cho album Nhật thực (2002) của ca sĩ Trần Thu Hà và nhạc sĩ Ngọc Đại. Đỗ Bảo tiếp tục có được thành công lớn khi ra mắt các album Cánh cung (2004), Thời gian để yêu (2008) và Chuyện của mặt trời – Chuyện của chúng ta (2013). Năm 2013, anh tổ chức thành công liveshow Cánh cung – Đỗ Bảo – Live in Hanoi, kỷ niệm 20 năm sáng tác. Nhạc sĩ là nhà sản xuất của nhiều giọng ca như Tùng Dương, Nguyên Thảo, Tấn Minh, Hoàng Quyên.
Hà Thu
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/do-bao-toi-lanh-xo-bo-de-lang-minh-viet-nhac-4589388.html