Để quảng bá cho bảng phấn mắt, Dior đăng tải bốn hình ảnh quảng cáo hôm 9/4 kèm dòng viết: “Đánh thức chú báo hung dữ trong bạn với vẻ ngoài hoàn thiện do dòng sản phẩm Mitzah tạo nên”. Trong đó, một người mẫu kéo xếch đôi mắt của mình lên.
Trên Instagram, nhiều tài khoản bình luận: “Đây rõ ràng là phân biệt chủng tộc”, “Tại sao Dior muốn kiếm tiền trên sự phân biệt đối xử?”, “Thương hiệu này đã xúc phạm người châu Á không chỉ một mà nhiều lần và không hề có bất kỳ lời xin lỗi nào”.
Theo CNN, việc tạo ra đôi mắt xếch được coi là một trong những xúc phạm phổ biến với người châu Á. Trong những năm 1930, người Mỹ từng phân biệt đối xử bằng cách điều chỉnh đuôi mắt: Kéo xếch lên trên để miệt thị người Nhật, dài ra hai bên để chế nhạo người Trung Quốc và kéo xuống để trêu chọc người Hàn. Năm 2020, mốt trang điểm mắt cáo với đuôi kéo dài và xếch lên bị đánh giá là một dạng chiếm đoạt văn hóa và bôi nhọ người châu Á, nhưng xu hướng này được nhiều bạn trẻ khắp thế giới yêu thích.
Sau khi bị chỉ trích, Dior đã xóa hai bức ảnh liên quan tới trang điểm và chưa đưa ra tuyên bố nào.
Dior từng một số lần bị chỉ trích phân biệt chủng tộc. Tháng 8/2022, họa tiết trên thiết kế Jardin d’Hiver thuộc bộ sưu tập Thu Đông 2022 của Dior bị tố cáo sao chép phong cách hội họa của Trung Quốc. Trước đó một tháng, hàng triệu người nước này phản ứng khi cho rằng váy xếp ly của Dior giống váy mã diện – Hán phục có từ thời Tống, thịnh hành thời Minh, Thanh. Khoảng một trăm lưu học sinh Trung Quốc tại Paris biểu tình trước một cửa hàng của thương hiệu đòi nhà mốt xin lỗi công khai.
Cuối năm 2021, dân Trung Quốc phản đối tấm ảnh người mẫu Dior mắt nhỏ, trợn ngược, mặt tàn nhang, môi đen, móng tay và kiểu tóc lấy cảm hứng thời nhà Thanh. Bức ảnh bị cho thể hiện cách nhìn phiến diện của phương Tây về ngoại hình người Trung Quốc. Sau đó, Trần Mạn – người chụp bức ảnh – xin lỗi khán giả, thừa nhận quan điểm nghệ thuật của cô “chưa chín chắn”.
Dior được nhà thiết kế Christian Dior thành lập năm 1946, là một trong 10 thương hiệu thời trang xa xỉ lớn nhất thế giới. Sau khi nhà sáng lập qua đời năm 1957, hãng mốt trải qua nhiều đời giám đốc sáng tạo, gồm Yves Saint-Laurent, Marc Bohan, Gianfranco Ferré, John Galliano, Raf Simons và hiện là Maria Grazia Chiuri. Năm 2017, làng mốt thế giới chứng kiến thương vụ lớn nhất trong lịch sử, khi tập đoàn LVMH mua lại Dior với giá 13,1 tỷ USD.
Họa Mi
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/dior-bi-chi-trich-phan-biet-chung-toc-4592470.html