Vở opera Cavalleria Rusticana của Italy trình diễn tại Nhà hát Lớn trong hai ngày 15 và 16/4, thu hút sự chú ý của khán giả. Ban tổ chức thông báo chương trình “cháy” vé nhiều ngày trước. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm quan hệ song phương Italy – Việt Nam.
Tác phẩmxoay quanh bi kịch hôn nhân của vợ chồng Turiddu. Sau khi xuất ngũ trở về, Turiddu (Giovanni Maria Palmia) phát hiện vị hôn thê của mình là Lola (Leung Siu Kwan) kết hôn với anh thợ đánh xe ngựa Alfio (Chun Ting Lam). Turiddu xoa dịu nỗi đau bằng cách yêu Santuzza (Vicki Wu) – một thiếu nữ trong làng. Tuy nhiên, sau đó anh lại bỏ vợ để chạy theo tình cũ.
Santuzza phát hiện sự việc, cầu xin chồng quay trở về nhưng không thành. Cô nguyền rủa Turiddu và tiết lộ sự việc với Alfio. Anh này tức giận vì bị lừa dối, thách đấu tay đôi với Turiddu để trả thù. Turiddu sau đó bị giết chết.
Bi kịch tình yêu được khắc họa qua giọng hát và khả năng diễn xuất của các nghệ sĩ. Tác phẩm thuộc trường phái verismo (chân thực), khai thác chủ đề về cuộc sống của người dân thường. Vì vậy, nghệ sĩ không chú trọng phô diễn các nốt cao, mà biến hóa đa dạng, nhằm diễn tả cảm xúc của nhân vật.
Nghệ sĩ tenor người Italy Maria Palmia gây ấn tượng khi hóa thân nam chính Turiddu. Ở bên người tình, giọng anh ngọt ngào, ấm áp. Khi ruồng bỏ vợ để chạy theo tình cũ, nghệ sĩ thể hiện chất giọng cao, gằn và quát nạt. Lúc đối đầu với tình địch, anh thể hiện sự cao ngạo, khinh thường.
Vicki Wu đến từ Hong Kong, lột tả được tâm trạng của người vợ bị chồng phụ bạc qua biểu cảm gương mặt, giọng mezzo-soprano (nữ trung có âm sắc cao). Phân cảnh nhân vật ôm chồng níu kéo trong tuyệt vọng nhận được nhiều tràng pháo tay của khán giả. Leung Siu Kwan, Chun Ting Lam diễn tròn vai.
Nguyễn Thu Quỳnh là nghệ sĩ Việt duy nhất trong đóng tuyến nhân vật chính. Cô hóa thân Mama Lucia – mẹ Turiddu, ghi điểm với chất giọng nữ trung ấm áp. Cô công tác tại Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, từng tham gia Requiem của Verdi, Giao hưởng số 9 của Beethoven, Cosi fan tutte của Mozart, Carmen của Bizet, nhạc kịch Cô Sao của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Lá đỏ của Đỗ Hồng Quân…
Dàn nhạc giao hưởng do nhạc trưởng Fan Ting chỉ huy, góp phần diễn tả trọn vẹn câu chuyện. Âm nhạc được phối đan xen, khi du dương, lãng mạn, lúc dữ dội, cao trào, tạo kịch tính. Mở màn là bản O Lola, bianca come fior di spino gợi không khí trầm buồn. Khi cả làng đón lễ Phục sinh, bản Gli aranci olezzano vang lên với giai điệu rộn ràng, vui tươi. Voi lo sapete được sử dụng ở cảnh Santuzza than thở với mẹ chồng Mamma Lucia.
Fan Ting hiện là giám đốc âm nhạc kiêm chỉ huy trưởng của Dàn nhạc Giao
hưởng Sài Gòn. Dàn nhạc còn có sự tham gia của các thành viên đến từ nhiều nơi trên thế giới như Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Hungary.
Khán giả Hùng Anh (43 tuổi, Hà Nội) nói thích thú khi thưởng thức một vở kịch tình yêu đời thường theo phong cách opera. “Cách thể hiện của các nghệ sĩ nhẹ nhàng, gợi cảm xúc khiến vở không bị nặng nề, mang tính học thuật như tôi vốn nghĩ về opera. Tôi thích nhất nhân vật người vợ, những cảnh cô ấy bộc lộ sự đau khổ khi ở một mình, kết hợp với nền nhạc trầm buồn”, anh nói.
Ông Nguyễn Bảo Anh – giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Sài Gòn – cho biết vui mừng khi tác phẩm được công chúng đón nhận. “Chúng tôi luôn cố gắng kết nối với các nghệ sĩ thế giới để mời họ tham gia vào các buổi hòa nhạc chuyên nghiệp tại Việt Nam. Mong muốn lớn nhất là có thể đưa thể loại âm nhạc vốn mang tính hàn lâm này đến với đông đảo khán giả hơn”, ông nói.
Hiểu Nhân
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/cavalleria-rusticana-bi-kich-tinh-yeu-130-nam-truoc-4592289.html