Buổi nói chuyện Long thành cầm giả ca – từ thơ đến phim nằm trong khuôn khổ chương trình tọa đàm học thuật do nhà nghiên cứu văn học Nhật Chiêu chủ trì, ngày 15/4 tại TP HCM.

Phim Long thành cầm giả ca, Đào Bá Sơn đạo diễn, lấy bối cảnh lịch sử giai đoạn 1783 – 1813, từ kịch bản đoạt giải nhất của nghệ sĩ Văn Lê trong cuộc thi Kịch bản kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Sau 13 năm ra mắt, đến nay tác phẩm điện ảnh này vẫn được khán giả yêu thơ ca nhắc đến như một trong những phim lịch sử hay nhất thập niên 2000-2010.

Trailer 'Long Thành cầm giả ca'

 
 
Trailer ‘Long Thành cầm giả ca’

Trailer “Long Thành cầm giả ca”. Video: YouTubeSangbac

Đại thi hào Nguyễn Du đã tóm tắt thời kỳ biến động của lịch sử qua 25 câu thơ trong bài Long thành cầm giả ca. “Tác phẩm có độ hàm súc cao, để mở rộng thành câu chuyện với các tình tiết nhân vật như trong phim, cần một đạo diễn có tài. Nếu không sẽ biến bài thơ thành truyện ngôn tình hoặc liêu trai về chàng thư sinh yêu cô kỹ nữ”, Nhật Chiêu nói.

Bài thơ là tác phẩm mở đầu phần Bắc hành tạp lục trong tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du, được sáng tác khi ông đi sứ năm 1813. Theo Tiến sĩ Phạm Trọng Chánh, thời điểm đó, Nguyễn Du đã nổi tiếng, liệt vào An Nam ngũ tuyệt (một trong năm nhà thơ lớn của Việt Nam bấy giờ).

Trong tác phẩm, tác giả kể về cuộc hội ngộ với một người ca nữ tài hoa đất Thăng Long. Với lòng thương cảm cho thân phận long đong của người phụ nữ, Nguyễn Du giải bày:

Xem Thêm:   Ánh Tuyết: 'Tôi không bỏ nghề hát'

Nam hà quy lai đầu tận bạch
Quái để giai nhân nhan sắc suy
(Ta từ Nam trở lại, đầu bạc trắng
Trách làm sao được sắc đẹp cũng suy tàn)

Nhà thơ Nhật Chiêu (trái) cùng đạo diễn Đào Bá Sơn tại sự kiện, hôm 15/4. Ảnh: Quế Chi

Nhà thơ Nhật Chiêu (trái) cùng đạo diễn Đào Bá Sơn tại buổi tọa đàm, hôm 15/4. Ảnh: Quế Chi

Nhật Chiêu gọi Nguyễn Du là “nhà thơ có tấm lòng bồ tát”, có khả năng nhìn sâu tâm hồn con người, trong thi ca lẫn tư tưởng cuộc sống. Nguyễn Du thể hiện tinh thần nhân đạo thông qua bài thơ, bênh vực số phận người ca kỹ bị xã hội phong kiến kìm kẹp.

“Trong bất kỳ loại hình nghệ thuật nào, sự hư cấu và tưởng tượng quyết định tầm vóc của tác phẩm. Khi xem bản điện ảnh, tôi thích sự sáng tạo của nhà làm phim, nổi bật qua hình ảnh cái giếng”, Nhật Chiêu nói.

Trong bài thơ, chi tiết giếng nước không xuất hiện nhưng lại là một yếu tố làm nên ngôn ngữ điện ảnh của đạo diễn Đào Bá Sơn. Theo ông, giếng nước là hình ảnh thân thuộc của làng quê Bắc bộ, gắn liền với nhân vật Cầm. Đạo diễn muốn tìm được bối cảnh giống với tưởng tượng về làng quê xưa, nơi quê nhà của Cầm. Ông đi từ Hà Nội về Ninh Bình khảo sát các địa điểm có giếng nước, phù hợp với bối cảnh phim. Khi đến đền Thái Vi, ông phát hiện đường mòn dẫn đến giếng Ngọc có từ nghìn năm trước trong khuôn viên đền. Nhà làm phim lập tức chọn nơi đây là nơi ghi hình tác phẩm.

Xem Thêm:   Chris Pratt khóc khi xem 'The Super Mario Bros. Movie'

Nội dung phim được viết theo cấu trúc vòng tròn câu chuyện (story circle). Đầu phim, nhân vật Gái – lúc này là một cô bé – soi bóng dưới làn nước của chiếc giếng làng. Sau nhiều trắc trở, nàng kỹ nữ giờ đã già, về quê thăm lại giếng nước xưa, khép lại vòng tròn của một kiếp người.

Khi nhận được kịch bản từ biên kịch Văn Lê, Đào Bá Sơn trăn trở làm thế nào để hình tượng Nguyễn Du có sức thuyết phục với khán giả. Ông mất hàng tháng tìm địa điểm ghi hình. Với kinh phí sản xuất chỉ hơn tám tỷ đồng, nhà làm phim dành dụm cho việc thiết kế bối cảnh và làm hậu kỳ tại Thái Lan. Lúc giám đốc sản xuất gợi ý sang Trung Quốc quay với bối cảnh sẵn có để tiết kiệm chi phí, đạo diễn từ chối vì muốn ghi hình trong nước, gợi không khí lịch sử.

“Nguyễn Du là danh nhân lớn nhưng ông không thể vượt qua tư tưởng Nho giáo. Nhân vật Cầm mang kiếp cầm ca, cô cũng không vượt ra được định kiến của xã hội. Bài thơ vừa là tiếng lòng của thi hào vừa là ghi chép về thời đại”, đạo diễn nói.

Long thành cầm giả ca đoạt nhiều giải thưởng điện ảnh, gồm Cánh diều vàng 2010 cho phim truyện nhựa, biên kịch phim truyện nhựa, họa sĩ phim truyện nhựa, bằng khen của Ban giám khảo Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17, Diễn viên nam chính xuất sắc cho Quách Ngọc Ngoan (vai Nguyễn Du) ở Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17.

Nhật Chiêu sinh năm 1951, có hơn 40 năm nghiên cứu, giảng dạy và viết lách. Ông còn được độc giả biết đến trong vai trò một dịch giả, nhà nghiên cứu văn học… Nhà thơ dành thời gian xây dựng giáo trình cho sinh viên các môn văn học Nhật, Trung Cận Đông, Phương Đông với nhiều đầu sách được tái bản nhiều lần.

Đào Bá Sơn sinh năm 1952 tại Hà Nội, tốt nghiệp khóa 2 Trường Điện ảnh Việt Nam năm 1977. Phim đầu tay Người tìm vàng được trao giải đặc biệt của Ban giám khảo Liên hoan phim quốc gia lần 9. Nghệ sĩ tham gia khoảng gần 30 vai chính và nhiều vai phụ.

Xem Thêm:   Ngoại trưởng Mỹ nghe Mỹ Anh hát jazz

Quế Chi

Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/long-thanh-cam-gia-ca-tu-tho-den-man-anh-4593521.html

About The Author