The Legend concert nằm trong chuỗi hoạt động tưởng nhớ 22 năm ngày mất Trịnh Công Sơn (1/4/2001-1/4/2023), do Masterise Homes và Storii phối hợp tổ chức. Nhiều năm qua, tiếng kèn trầm bổng hay các bản hòa tấu của nghệ sĩ saxophone là “đặc sản” trong những đêm nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ.

Trước gần 650 khán giả, Trần Mạnh Tuấn đệm hai đoạn điệp khúc, hỗ trợ màn song ca Này em có nhớ của Trịnh Vĩnh Trinh – em gái nhạc sĩ – cùng Hà Anh Tuấn. Không thể đứng lâu do yếu sức, nghệ sĩ chơi kèn ngay tại hàng ghế khách mời. Kế bên, Kiều Đàm Linh – bà xã Trần Mạnh Tuấn – không giấu nổi vẻ xúc động, tự hào khi chồng tái xuất trong một sự kiện âm nhạc sau gần hai năm bạo bệnh, với ba lần mổ não vì đột quỵ.

Trần Mạnh Tuấn thổi saxophone Này em có nhớ trong đêm nhạc Trịnh tại The Global City, quận 9.

Trần Mạnh Tuấn thổi saxophone “Này em có nhớ” trong đêm nhạc Trịnh tại The Global City, quận 9. Ảnh: Quỳnh Trần

Hà Anh Tuấn dẫn Trịnh Vĩnh Trinh xuống khán đài, cổ vũ và hòa giọng cùng tiếng kèn của anh. Trên các màn hình bao quanh khán phòng chiếu bức chân dung Trần Mạnh Tuấn do Trịnh Công Sơn vẽ bằng chất liệu sơn dầu vào tháng 7/1999. Cả hai có mối quan hệ khắng khít, lúc sinh thời, nhạc sĩ luôn ngưỡng mộ tiếng kèn của Trần Mạnh Tuấn.

Trần Mạnh Tuấn cảm động khi nhận những tràng pháo tay dài. Anh cho biết sẽ chăm chỉ tập luyện, tăng sức khỏe và sức bền để có thể biểu diễn lâu hơn nữa. Với Trịnh Vĩnh Trinh lẫn Hà Anh Tuấn, sự trở lại của nhạc công saxophone duy nhất được đề cử 5 lần tại giải Cống Hiến như phép màu. Họ cho rằng tình yêu âm nhạc có thể giúp nghệ sĩ vượt qua các biến cố lẫn thử thách cuộc đời.

Nhiều khán giả cũng xúc động khi tiếng saxophone quen thuộc cất lên. Nhật Lệ (quận 8, TP HCM) nhận xét: “Sự trở lại của Trần Mạnh Tuấn là điểm nhấn giàu cảm xúc của đêm nhạc, như cách anh từng ví von – nhạc Trịnh nói riêng và âm nhạc nói chung luôn mang lại phép màu”. Hồng Hà (Phú Nhuận, TP HCM) nói mong chờ nhạc công xuất hiện dày đặc tại các chương trình nghệ thuật năm nay.

Xem Thêm:   Phim của Bành Tiểu Nhiễm: Top 5 phim hay nhất của 'hồng y mỹ nhân'
Hà Anh Tuấn, Trịnh Vĩnh Trinh xuống hàng ghế khán giả cổ vũ Trần Mạnh Tuấn chơi kèn. Ảnh: Quỳnh Trần

Hà Anh Tuấn, Trịnh Vĩnh Trinh xuống hàng ghế khán giả cổ vũ Trần Mạnh Tuấn chơi kèn. Ảnh: Quỳnh Trần

Trịnh Vĩnh Trinh cũng được khán giả ủng hộ trở lại sau nhiều năm vắng bóng. Bà tự nhận bản thân không phải ca sĩ chuyên nghiệp, mà chỉ thích hát nhạc của anh mình. “22 năm đã trôi qua, tôi rất xúc động khi nhiều fan vẫn thương nhớ anh Sơn. Lời cảm ơn nói bao nhiêu cũng không đủ. Dù gia đình từng làm mấy chục đêm nhạc Trịnh, bao năm nay tôi vẫn không lên sân khấu nhưng lần này anh Sơn đã ‘mách bảo’ tôi phải hát”, bà nói và thể hiện Vết lăn trầm,Em hãy ngủ đi.

Hà Anh Tuấn cho biết anh là một trong hàng triệu người yêu mến Trịnh Công Sơn, thường thích ngồi dưới khán đài thưởng thức giọng hát của đàn anh, đàn chị, nhưng hôm nay lần đầu có cơ hội biểu diễn nhạc Trịnh trong một sự kiện lớn. Giai điệu Anh đi bỏ lại con đường, Xin cho tôi giúp anh khoe đượcchất giọng đầy đặn, dày, trầm ấm và trưởng thành hơn so với 5-7 năm trước.

Anh thể hiện chùm ca khúc Da vàng gồm Cánh đồng hòa bình, Bà mẹ Ô Lý Người già em bé. Hà Anh Tuấn liên tục tương tác với fan và nói phấn khởi khi được khen hát nhạc Trịnh truyền cảm.

Trước đó, Tuấn Ngọc mở màn với Ru đời đi nhé – ca khúc ông yêu thích, từng nhiều lần hát ở các chương trình trong nước lẫn hải ngoại. Ở tuổi 75, ca sĩ vẫn giữ phong thái trình diễn trầm buồn, sâu lắng và thói quen nhắm nghiền mắt khi nhấn nhá từng chữ. Ngay khi Tuấn Ngọc dứt lời, chất giọng nồng ấm, mộc mạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vang lên: “Có khi mưa ngoài trời/ Là giọt nước mắt em/ Đã nương theo vào đời/ Thành từng nỗi ưu phiền”.

Tuấn Ngọc cũng lần đầu hát Nắng thủy tinh,Tình sầu, Chiều một mình qua phố. Ông khiến khán giả cười ồ khi nhấn mạnh “bình thường giọng tôi rất hay”, nhưng hôm nay hơi trầm khàn vì cách đó hai ngày, ông bay từ Mỹ về Việt Nam trong khuya.

Xem Thêm:   Nhà văn Hàn vào chung khảo Booker Quốc tế

Khi hát bản Phôi pha, Tuấn Ngọchoài niệm lần tình cờ gặp Trịnh Công Sơn tại một phòng trà ở Sài Gòn năm 1993. Cả hai có dịp trò chuyện về âm nhạc, cuộc đời. Để tỏ lòng ngưỡng mộ đàn anh, khi ấy Tuấn Ngọc xung phong lên sân khấu hát tặng cố nhạc sĩ ca khúc này.

Tuấn Ngọc thể hiện 5 nhạc phẩm nổi tiếng của Trịnh trong tối 9/4. Ảnh: Quỳnh Trần

Tuấn Ngọc thể hiện 5 nhạc phẩm nổi tiếng của Trịnh trong tối 9/4. Ảnh: Quỳnh Trần

Hồng Nhung khép lại đêm nhạc với nhiều ca khúc vượt thời gian. Xuất hiện từ dưới khán đài, cô vừa hát vừa giao lưu với fan. Bà mẹ hai con được khen xử lý tinh tế khi không may bị vấp chân lúc đi lên sân khấu chính. “Ca sĩ không ngã vào khán giả thì ngã vào ai?”, cô nói.

Ở tuổi 53, Hồng Nhung vẫn giữ được giọng hát đẹp, kỹ thuật và cách xử lý nốt cao, thấp một cách hài hòa. Ca sĩ gây cười khi gọi ca khúc Đóa hoa vô thường là mini nhạc kịch dài 12 phút, thích hợp phát trong khoảng thời gian nghỉ giữa hiệp của một trận bóng đá đỉnh cao ở World Cup.

Chất giọng sáng, vang của Hồng Nhung thể hiện rõ ở nhạc phẩm Người con gái Việt Nam da vàng Ngủ đi con. Hồi tháng 3, diva tổ chức show “Bống là ai” ở Nhà hát Lớn Hà Nội, khoác áo mới cho 20 bản nhạc Trịnh với blue jazz.

Trong gần 2,5 tiếng, gần 20 bản nhạc Trịnh được cất lên, thu hút những tràng pháo. Đa số khán giả đánh giá cao khâu tổ chức, cách sắp xếp các tiết mục và sự góp mặt của dàn nghệ sĩ đình đám.

Hồng Duy (quận 2) thích cách tổng đạo diễn Cao Trung Hiếu bố trí các tiết mục, cho thấy sự chuyển giao thế hệ trong nhạc Trịnh: điềm đạm, trải đời như Tuấn Ngọc, song cũng lịch lãm, hiện đại như Hà Anh Tuấn. Không gian sự kiện vừa vặn, đủ để tiếng hát ca sĩ được tôn lên bởi các nhạc cụ mộc như dương cầm, violin, guitar.

Xem Thêm:   'Cha mẹ nên đọc sách cùng con'

Thanh Thu (quận 7) ấn tượng với chất giọng truyền cảm, cách xử lý tinh tế từng nốt cao, thấp của Hồng Nhung. “Có nhiều ca sĩ thành danh với nhạc Trịnh, tôi vẫn yêu nhất một Bống trẻ trung. Với tôi, cô ấy vẫn nhí nhảnh, cuốn hút như tuổi đôi mươi”, khán giả này nói.

Trong khi đó, Lệ Chi (quận 3) thổn thức khi theo dõi thước phim tư liệu về Trịnh Công Sơn ở đầu đêm nhạc. Ông ngồi xích lô ngắm đường phố Huế, quan sát những phận người tất tả ngược xuôi, nhạc nền Huyền thoại mẹ vang lên vừa da diết, vừa chiêm nghiệm. “Cảnh cố nhạc sĩ vừa đàn, vừa hát chỉ như mới hôm qua”.

The Legend concert – Trịnh Công Sơn là sự kiện đặc biệt của chuỗi hoạt động nghệ thuật M.A.S do Masterise Homes triển khai dành cho ba dự án The Rivus, Grand Marina Saigon, The Global City trong năm 2023. M.A.S gồm nhiều lĩnh vực: âm nhạc, điện ảnh, thời trang, kiến trúc – nội thất, nghệ thuật sáng tạo.

Triển lãm Gương mặt hội họa sẽ diễn ra tại Sales Gallery, The Global City. Ảnh: Masterise Homes

Triển lãm Gương mặt hội họa sẽ diễn ra tại Sales Gallery, The Global City. Ảnh: Masterise Homes

Từ ngày 10 đến 23/4, triển lãm Gương mặt hội họa sẽ diễn ra tại Sales Gallery, The Global City. Ban tổ chức lần đầu trưng bày 12 bức họa do Trịnh Công Sơn vẽ trên các chất liệu sơn dầu, phấn màu, chì than. Bên cạnh đó, nhiếp ảnh gia Dương Minh Long giới thiệu bộ sưu tập ảnh Trịnh Công Sơn – Lần đầu gặp lại. Sự kiện mở cửa tự do.

Ông Linton Borthwick – Giám đốc Khối dịch vụ khách hàng, Masterise Homes – cho biết: “Chúng tôi đã và đang nỗ lực nâng cao trải nghiệm khách hàng thông qua sản phẩm, dịch vụ. Chuỗi hoạt động M.A.S sắp tới là một phần trong hành trình phát triển các dự án của chúng tôi, trở thành nơi truyền cảm hứng sống, khơi gợi sự sáng tạo, mang đến giá trị tinh thần thực thụ không chỉ cho cư dân dự án, mà cho người dân thành phố nói chung”.

Thi Quân

Tuần lễ triển lãm Trịnh Công Sơn mở cửa tự do diễn ra 10-17h mỗi ngày, từ ngày 10 đến 23/4.
Địa điểm: The Global City, đường Đỗ Xuân Hợp, phường An Phú, quận 2, TP Thủ Đức, TP HCM.
Xem thông tin sự kiện tại đây.

Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/tran-manh-tuan-thoi-saxophone-tuong-nho-trinh-cong-son-4589889.html

About The Author